Ngày 23/3/2023 tại Khách sạn Lakeside Ngọc Khánh, phát biểu tại “Hội thảo tham vấn xây dựng TCVN về pin hoán đổi được dùng cho mô tô, xe máy điện”, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh, tại Hội nghị COP 26, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ về việc đưa mức phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 phù hợp với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Theo đó, việc chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện là một trong các giải pháp mà chính phủ đưa ra để thực hiện cam kết tại COP 26.
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại Hội thảo.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, đặc tính giao thông của Việt Nam là số lượng người dân sử dụng phương tiện cá nhân chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó, số lượng người dân sử dụng phương tiện công cộng vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra những khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc hạn chế khí thải từ các phương tiện giao thông. Trong bối cảnh nhiên liệu hoá thạch đang dần cạn kiệt cộng thêm với việc hiệu ứng nhà kính gia tăng mạnh mẽ, xu hướng sử dụng các phương tiện giao thông xanh là một trong những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã bước vào cuộc đua phát triển xe điện. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là xây dựng một hệ thống các tiêu chuẩn dành cho các phương tiện sử dụng điện, trong đó có các tiêu chuẩn dành cho pin hoán đổi dùng cho mô tô, xe máy điện.
“Tại Hội thảo hôm nay, tôi rất mong muốn đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ về kinh nghiệm trong vấn đề xây dựng tiêu chuẩn cho xe điện, pin hoán đổi dùng cho xe điện, chia sẻ kinh nghiệm đóng góp cho Việt Nam trong quá trình thực hiện cam kết tại COP 26, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Hy vọng rằng, qua hội thảo này, chúng ta sẽ cùng nhau có những chia sẻ, góp ý để tạo nên một bộ tiêu chuẩn hài hoà về mặt lợi ích của các bên”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay.
Chia sẻ thêm về nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết tại COP 26, bà Trịnh Thị Bích Thuỷ, đại diện Văn phòng Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam cũng cho hay, để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26, Bộ GTVT cũng đã xây dựng kế hoạch hành động về chuyển dịch năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải và giảm phát thải khí metan, cac-bon. Trong lộ trình này, ngành giao thông vận tải đặt mục tiêu tới giai đoạn 2030 đẩy nhanh các hoạt động liên quan tới nghiên cứu công nghệ, sẵn sàng năng lực, sẵn sàng kỹ thuật để phục vụ chuyển đổi và sau năm 2030 thì toàn ngành sẽ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông xanh.
Trong báo cáo quốc gia tự nguyện năm 2022 ngành giao thông vận tải cam kết giảm phát thải 4,2% trong điều kiện tự nguyện quốc gia và 72% trong điều kiện có nguồn hỗ trợ hợp tác từ nước ngoài. Để đạt được việc này, việc chuyển đổi phương thức vận tải, năng lượng sử dụng trong ngành đóng vai trò quan trọng. Việc thúc đẩy phương tiện xe điện là chìa khoá để ngành giao thông chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải.
Hiện nay, số lượng sử dụng phương tiện cá nhân của Việt Nam rất lớn. Riêng xe máy chiếm 90% tổng số lượng phương tiện giao thông lưu hành. Việc có các can thiệp kịp thời đối với phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy rất quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.
“Chúng tôi đang đồng hành cùng Bộ GTVT, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Viện Tiêu chuấn Chất lượng Việt Nam để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về pin hoán đổi được dùng cho mô tô, xe máy điện. Chúng tôi cũng sẽ giới thiệu các nội dung của 3 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) liên quan đến hệ thống lắp đặt điện của trạm sạc xe điện”, bà Trịnh Thị Bích Thuỷ cho hay.
Cùng phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, hiện nay, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải xem xét thận trọng để đồng bộ với các điều kiện thực tế tại Việt Nam. Trong đó, việc tiêu chuẩn hoá các quy định về kỹ thuật cho xe điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện để đảm bảo việc chuyển đổi sang xe điện thành công.
Quang cảnh Hội thảo.
Đối với xe mô tô điện và xe máy điện, hoán đổi pin là một trong các giải pháp cần thiết để giải quyết những hạn chế về quãng đường di chuyển ngắn, thời gian sạc dài, giá thành cao. Tuy nhiện, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có các tiêu chuẩn về pin hoán đổi được dùng cho xe mô tô điện và xe gắn máy điện.
“Nắm bắt được yêu cầu quan trọng này, VAMM đã và đang phối hợp cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam thực hiện dự án nghiên cứu “Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về pin hoán đổi được dùng cho xe mô tô điện và xe gắn máy điện” nhằm tăng hiệu quả sử dụng phương tiện và nâng cao chất lượng xe điện tại Việt Nam”, ông Đậu Quang Huy nói./.
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện