Nhu cầu xây dựng công trình ngầm nói chung và công trình hầm giao thông qua núi nói riêng ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Hàng loạt các giải pháp kỹ thuật đã được hình thành và hoàn thiện tùy theo các điều kiện, yêu cầu thi công và theo trình độ phát triển khoa học kỹ thuật. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật và trình độ công nghệ hiện nay cho phép có thể thi công xây dựng các công trình hầm trong mọi điều kiện địa chất và môi trường khác nhau.
Bê tông phun là vật liệu và kết cấu chống đỡ trong công trình hầm đường bộ nói riêng, đã tạo nên một bước tiến bộ mới, hình thành liên kết toàn phần giữa khối đá và kết cấu chống tạm. Ảnh hưởng của yếu tố thời gian, liên quan với sự phát triển của áp lực và thời gian tồn tại ổn định không chống của khối đá, được hạn chế một cách cơ bản. Cũng nhờ đó ngay cả trong trường hợp gặp khối đá xấu vẫn có thể thi công đào toàn tiết diện. So với các phương pháp truyền thống, đây thực sự là tiến bộ lớn.
Việt Nam đã ban hành TCVN 13509:2022 “Bê tông phun trong công trình hầm giao thông –Yêu cầu kỹ thuật, thi công và nghiệm thu”. Tuy nhiên, trong nội dung TCVN này vẫn đang tham chiếu đến một số tiêu chuẩn nước ngoài, gây khó khăn cho người sử dụng. Do đó, việc xây dựng TCVN về “Bê tông phun – Chuẩn bị mẫu thử” trên cơ sở tham khảo ASTM C1140/C1140M-11 Standard Practice for Preparing and Testing Specimens from Shotcrete Test Panels; và TCVN về “Bê tông phun - Phương pháp thử mẫu khoan” trên cơ sở tham khảo ASTM C1604/C1604M-05 Standard Test Method for Obtaining and Testing Drilled Cores of Shotcrete là cần thiết.
Dự thảo TCVN “Bê tông phun – Chuẩn bị mẫu thử” đưa ra các quy định kỹ thuật về phương pháp chế tạo tấm thử dùng để thử nghiệm cho bê tông phun khô và bê tông phun ướt và phương pháp thử nghiệm các mẫu thử được khoan, cắt từ tấm panel.
Dự thảo TCVN “Bê tông phun - Phương pháp thử mẫu khoan” đưa ra các quy định kỹ thuật về việc lấy, chuẩn bị và thử nghiệm các lõi khoan được khoan từ kết cấu bê tông phun để xác định chiều dài, cường độ nén hoặc độ bền kéo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã góp ý cho 02 nội dung dự thảo tiêu chuẩn, CTXD đã tiếp thu các ý kiến đóng góp về việc dịch thuật làm rõ các từ ngữ chuyên ngành của nước ngoài, phân tích rõ các điều kiện, môi trường thực tế tại Việt Nam mà tiêu chuẩn đang áp dụng, …. để tiếp tục hoàn thiện nội dung 02 dự thảo tiêu chuẩn.
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện