Đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ hai - 22/11/2021 12:00. Xem: 156
 Ngày 19/11/2021, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Tấn Dũng chủ trì hội thảo.
Đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

 Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp để phát triển các chương trình đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh CMCN 4.0. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, Hội thảo đóng góp trực tiếp cho Chiến lược phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN. Việc đẩy mạnh các ngành kỹ thuật - công nghệ sẽ góp phần phát huy thế mạnh mô hình đa ngành, đa lĩnh vực trong ĐHQGHN. Ông cho biết, trong thời gian tới, ĐHQGHN ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động 4.0 với mục tiêu 25% quy mô sinh viên các ngành này. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, nhu cầu phát triển nền kinh tế số trong xu thế CMCN 4.0 đòi hỏi sự thích ứng nhanh của nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ. Ông cho rằng, việc đẩy mạnh liên kết giáo dục nghệ nghiệp và giáo dục đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Tại Hội thảo, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức đã trình bày báo cáo Tổng quan về đào tạo ngành kỹ thuật - công nghệ trong ĐHQGHN. Ông cho biết, hiện nay quy mô sinh viên đại học chính quy các ngành này tại ĐHQGHN chiếm 22%. Đặc thù đào tạo các ngành liên ngành, kỹ thuật - công nghệ tại ĐHQGHN đó là: ĐHQGHN điều phối nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách; chương trình đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm dùng chung. Các ngành kỹ thuật - công nghệ của ĐHQGHN bắt nhịp với xu thế mới, từ đó tăng nguồn lực cho sự phát triển của ĐHQGHN, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học; phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới về nguồn lực chất lượng cao. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng chia sẻ một số giải pháp và lộ trình triển khai các ngành kỹ thuật - công nghệ: đánh giá thực trạng đào tạo các chương trình liên ngành, kỹ thuật - công nghệ tại ĐHQGHN; sửa đổi, xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp khung trình độ quốc gia; đổi mới chính sách về tuyển sinh; đổi mới chương trình, hình thức tổ chức đào tạo và hỗ trợ người học; thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành; phối hợp giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; đào tạo gắn với doanh nghiệp; xây dựng văn bản quản lý…

Trong khuôn khổ của Hội thảo, Khoa Quốc tế (ĐHQGHN) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với 3 trường cao đẳng thực hiện thí điểm đào tạo chương trình theo tiêu chuẩn Úc, Đức trước sự chứng kiến của lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH.

VVH

Nguồn: Tạp chí khoa họccông nghệ Việt Nam

Tác giả: admin

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây