Tái chế vật liệu mặt đường BTN cũ là một trong những giải pháp bảo trì được áp dụng rộng rãi trên thế giới, với hai phương pháp được áp dụng phổ biến là tái chế nóng và tái chế nguội. Công nghệ tái chế nóng được sử dụng rộng rãi nhất vì những ưu điểm nội trội là tận dụng khá triệt để lớp BTN cũ, chất lượng lớp phủ BTN tái chế có thể đạt tương đương với BTN mới vì sử dụng nhiệt độ cao để chế tạo hỗn hợp tái chế, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường hơn các phương pháp tái chế khác. Hỗn hợp BTN tái chế nóng có thể sử dụng trực tiếp tại vị trí mặt đường bê tông nhựa cũ đã cào bóc, và áp dụng cho tất cả các lớp mặt đường, kể cả làm lớp mặt đường cấp cao có lưu lượng xe trung bình, hoặc làm lớp mặt dưới (chỉ cần phủ lên 5cm BTN mới) cho đường có lưu lượng xe lớn.
Nhìn chung, việc tái sử dụng có hiệu quả vật liệu BTN từ mặt đường cũ ở nước ta còn chưa được quan tâm đúng mức, giải pháp thường áp dụng là phủ bổ sung trên mặt đường cũ lớp kết cấu mới. Với mạng lưới đường bộ nước ta hiện tại, nhu cầu tái chế đường bộ Việt Nam hiện nay và trong tương lai sẽ rất lớn. Việc nghiên cứu công nghệ tái chế phù hợp cho Việt Nam là cần thiết. Tại Việt Nam, công nghệ tái chế nguội đã và đang bắt đầu được áp dụng thử nghiệm, điển hình là 3 công nghệ của SaKai (Nhật Bản), Hall Brothers (Mỹ) và Wirtgen (Đức) đang áp dụng cho Dự án sửa chữa QL5. Trong khi công nghệ tái chế nóng hầu như chưa được nghiên cứu, đánh giá và triển khai thử nghiệm. Mới đây, Công ty CP XD & ĐT BMT (BMT) đang tiến hành thử nghiệm công nghệ tái chế nóng BTN tại trạm trộn. Đây là điều kiện thuận lợi cũng như đòi hỏi cần tiến hành nghiên cứu công nghệ tái chế nóng mặt đường BTN nói chung cũng như đánh giá công nghệ tái chế nóng tại trạm trộn mà BMT đề xuất thử nghiệm nói riêng, làm cơ sở để áp dụng đại trà tại Việt Nam.
Từ thực tế đó, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là đơn vị chủ trì thực hiện đề tài năm 2014 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa cũ phù hợp với điều kiện Việt Nam”, Mã số DT 144046 do ThS. Nguyễn Văn Thành làm chủ nhiệm đề tài.
Ngày 21/8/2015, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở. Tham dự cuộc họp có PGS. TS. Nguyễn Hữu Trí, chủ tịch hội đồng - chủ trì buổi họp và các thành viên hội đồng theo QĐ 1315/QĐ Ngày 01/6/2015 của Viện trưởng Viện KH&CN GTVT, nhóm thực hiện, cùng nhiều chuyên gia của Viện và trường Đại học GTVT.
Tại buổi họp, ThS. Nguyễn Văn Thành trình bày tóm tắt nội dung và kết quả nghiên cứu đã thực hiện. Kết quả khoa học chủ yếu của đề tài là đưa ra đánh giá tổng quan về tình hình nghiên cứu, áp dụng công nghệ tái chế nóng trên thế giới và tại Việt Nam; xác định được định hướng và phạm vi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường BTN tại trạm trộn; phân tích và lựa chọn phương pháp thiết kế hỗn hợp BTN tái chế nóng; phân tích và đưa ra giải pháp thiết kế và thử nghiệm hỗn hợp BTN tái chế nóng trong phòng thí nghiệm; đánh giá và lựa chọn công nghệ cào bóc tái chế nóng tại trạm trộn phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, đề tài cũng tiến hành nghiên cứu thực nghiệm công nghệ cào bóc tái chế nóng tại trạm trộn làm cơ sở và đã biên soạn Dự thảo chỉ dẫn kỹ thuật thiết kế hỗn hợp tái chế nóng và Dự thảo chỉ dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu hỗn hợp tái chế nóng.
Với kết quả đạt được, đề tài được Hội đồng thống nhất nghiệm thu cấp cơ sở. Theo yêu cầu của Hội đồng, chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung theo các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện thủ tục trình Bộ theo quy định.
Một số hình ảnh cuộc họp
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện