Viện Thí nghiệm Vật liệu (TNVL). Thời kỳ mới thành lập
Ngày 10-10-1954, quân ta vào tiếp quản Hà Nội, chấm dứt gần 100 năm thống trị của Thực dân Pháp. Một giai đoạn mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam bắt đầu. Toàn thể quân và dân miền Bắc với lòng nhiệt tình cách mạng, cùng đồng lòng thực hiện việc hàn gắn lại vết thương chiến tranh, nhanh chóng đi vào khôi phục và phát triển kinh tế của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, công việc trên toàn quốc thật sự bộn bề. Mạng lưới giao thông vận tải (GTVT) cần được khôi phục lại gần như toàn bộ. Khi đó trên toàn quốc mới chỉ có hai cơ sở thí nghiệm vật liệu xây dựng: bộ phận phân tích hóa, cơ lý cho khoáng vật và xi măng của Sở Mỏ và một bộ phận tương tự của Nhà máy Xi măng Hải Phòng với các thiết bị cũ kỹ từ thời Pháp để lại. Lực lượng cán bộ kỹ thuật gần như không có. Khả năng thiết kế, thi công các công trình vừa và lớn, kể cả khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua thí nghiệm hoặc nghiên cứu khoa học kỹ thuật gần như số không.
Lúc này, các ngành Giao thông, Kiến trúc, Thủy lợi và Bưu điện cùng trực thuộc Bộ Giao thông Công chính (GTCC). Cách mạng Việt Nam do Đại hội Đảng Lao động Việt Nam dẫn dắt. Trong phương hướng của Đảng đã chỉ ra tư tưởng: ” lấy cách mạng kỹ thuật là then chốt”. Bộ Giao thông công chính ngay trong những ngày đầu bận rộn, trên cơ sở xác định trách nhiệm nặng nề của mình trong việc khôi phục và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật giao thông vận tải, đã thấy ngay mục tiêu cấp bách của những ngày đầu sau chiến tranh chống Pháp là phải xây dựng những cơ sở Khoa học kỹ thuật phục vụ giao thông vận tải. Bộ đã xác định, đi vào giai đọan khôi phục và phát triển kinh tế với yêu cầu và quy mô ngày một lớn, biện pháp chủ yếu của ta là: Nhập kỹ thuật thông qua con đường viện trợ toàn bộ: Thiết bị, vật tư và con người. Trong đó quan trọng là đào tạo đội ngũ chuyên gia kỹ thuật. Muốn nhập kỹ thuật được như vậy để nhanh chóng tiến lên, để chúng ta có thể tự giải quyết các vấn đề kỹ thuật của chính mình, một điều rõ ràng là cần xây dựng ngay một cơ sở Thí nghiệm khoa học kỹ thuật tương đối đồng bộ, và từng bước hoàn thiện để có thể tiến hành các thí nghiệm và các nghiên cứu kỹ thuật cần thiết.
Vì vậy, ngay từ tháng 10 năm 1954, trong khi đang tham gia tiếp quản Thủ đô, Chính phủ đã chỉ thị cho Bộ Giao thông công chính cần gấp rút xây dựng một Viện Thí nghiệm vật liệu. Bộ Giao thông công chính đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ này với hai việc:
- Chuẩn bị về nhân lực kỹ thuật
- Xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư thiết bị.
Hiểu rõ tầm quan trọng này, Bộ Giao thông công chính đã tuyển chọn và rút các đồng chí cán bộ kỹ thuật đã có quá trình thử thách trong chiến đấu chống Pháp về xây dựng Viện. Các cán bộ nòng cốt này về sau đã phát huy được tác dụng tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển Viện.
Tháng 9 năm 1955 một Đoàn cán bộ kỹ thuật gồm 6 người trong đó có 05 cán bộ kỹ thuật và 01 phiên dịch được cử sang Trung Quốc thực tập về Thí nghiệm vật liệu. Thời gian đào tạo là hơn 6 tháng. Chuyên ngành được đào tạo là: Cơ học đất, vật liệu gỗ, nhựa đường, vật liệu bêtông, đá phân tích hóa công trình, nhiên liệu, thí nghiệm kim lọai.
Trong khi chờ đợi thiết bị và đào tạo cán bộ, Bộ Giao thông công chính đã ưu tiên về kinh phí và vật tư tiến hành xây dựng cơ bản. Thời gian này, các vật tư xây dựng còn rất khan hiếm và Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ. Các công trình trên toàn quốc phần lớn là công trình tạm thời. Riêng Viện Thí nghiệm vật liệu vẫn được xây dựng kiên cố với nhà cửa rộng rãi, cao thoáng (hiện nay là nhà F, sau nhiều lần tu sửa và nâng cấp).
Tháng 6 năm 1956, Bộ Giao thông công chính ra quyết định thành lập chính thức Sở Thí nghiệm vật liệu xây dựng trực thuộc Bộ. Đây là cơ sở khoa học kỹ thuật đầu tiên của Bộ Giao thông công chính và là một trong số rất ít cơ sở khoa học kỹ thuật của cả nước thời kỳ này. Bộ Giao thông công chính cũng ra quyết định bổ nhiệm chính thức đồng chí Đặng Văn Thông phụ trách Viện, điều một số cán bộ và công nhân cơ khí, phần lớn là bộ đội chuyển ngành, cùng đoàn cán bộ đi thực tập về công tác tại Sở.
Lúc này, Sở Thí nghiệm vật liệu gồm 6 phòng:
- Phòng Hành chính, Quản trị;
- Phòng Thí nghiệm Đất;
- Phòng Thí nghiệm Bê tông;
- Phòng Thí nghiệm Gỗ và nhựa đường;
- Phòng Thí nghiệm Kim lọai;
- Phòng Thí nghiệm Hóa.
Cán bộ gồm 1 phụ trách Sở, 6 phụ trách Phòng và biên chế gồm 42 cán bộ công nhân viên trong đó có 09 kỹ sư, 35 Thí nghiệm viên sơ cấp, được đào tạo từ cán bộ quân đội, dân chính chuyển ngành với trình độ văn hóa từ lớp 5-8.
Tháng 10 năm 1956, Bộ ra quyết định chính thức tên gọi là Viện Thí nghiêm vật liệu xây dựng, bắt đầu hoạt động và nhận làm thí nghiệm vật liệu xây dựng phục vụ các công trường.
Tuy nhiên, tới tháng 3 năm 1957, Bộ Giao thông – Bưu điện mới tổ chức lễ khánh thành “Viện Thí nghiệm Vật liệu xây dựng”, chính thức giới thiệu cho các nơi biết Viện sẵn sàng phục vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, lúc này là Bộ trưởng, về cắt băng của buổi lễ.
Hoạt động của Viện TNVLXD thời kỳ 1956-1961
- Công tác thí nghiêm vật liệu xây dựng ngày một hoàn thiện, công tác nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật xuất hiện và bước đầu phát triển.
Từ khi chính thức đi vào hoạt đông, Viện Thí nghiệm Vật liệu xây dựng đã bắt đầu công tác chính của mình là thí nghiệm vật liệu. Thời gian này, công tác xây dựng cơ bản trên toàn miền Bắc phát triển rầm rộ. Viện đã sớm có được môi trường thuận lợi phát huy khả năng của mình, nhờ đó trưởng thành nhanh chóng. Công tác thí nghiệm vật liệu xây dựng ngày một nhiều và ngay từ đầu, bên cạnh việc phục vụ hàng loạt yêu cầu thực tế của các công trường, những mầm mống của công tác nghiên cứu đã được thể hiện ở ba mặt sau:
- Kỹ thuật thí nghiệm ngày một chính xác, sáng tạo thêm nhiều phương pháp, kỹ năng và hạng mục thí nghiệm mới.
- Củng cố và hệ thống hóa Quy trình thí nghiệm, quy trình lấy mẫu; lập hồ sơ báo cáo kết quả thí nghiệm; quy trình bảo quản và sử dụng thiết bị.
- Đào tạo thêm nhiều thí nghiệm viên cho bản thân Viện, cho các đơn vị bạn và các công trường khắp các tỉnh miền Bắc, góp phần quan trọng trong việc hình thành từng bước mạng lưới thí nghiệm vật liệu xây dựng chung.
Thực tế trong quá trình thí nghiệm, bên cạnh việc tích lũy kỹ năng, do công việc đòi hỏi, một số công tác nghiên cứu đã được tiến hành như:
- Vấn đề chất kết dính;
- Vấn đề bê tông bị nước biển phá hoại;
- Phòng chống mục, hà cho gỗ;
- Vấn đề mặt đường cấp phối;
- Phân khu khí hậu miền Bắc về đường bộ.
Có thể coi đây như là những đề tài nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật đầu tiên được thực hiện ở Viện.
Trong quá trình phát triển, mối quan hệ giữa công tác thí nghiệm vật liệu và công tác nghiên cứu khoa học ngày càng liên hệ chặt chẽ và mật thiết với nhau hơn. Quá trình xây dựng và phát triển công tác thí nghiệm cũng là quá trình chuẩn bị cho phát triển công tác nghiên cứu Khoa học kỹ thuật GTVT cả về mặt cơ sở vật chất (mặt bằng và thiết bị) cũng như con nguời (kinh nghiệm cùng trình độ khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý). Dần dần, công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã trở thành một mảng quan trọng, ngày càng phát triển, chiếm tỷ trọng ngày một cao hơn trong toàn bộ hoạt động chung của Viện. Viện Thí nghiệm Vật liệu xây dựng luôn tìm tòi phương hướng đổi mới để mở rộng lĩnh vực và phát triển hơn nữa.